Kỹ thuật công nghệ

Trong suốt nhiều năm qua tập đoàn Yamaha Motor đã và đang phát triển một thế hệ động cơ mới dành riêng cho các mẫu xe tay ga cho khu vực đô thị tại Đông Nam Á. Thành quả đầu tiên của những nỗ lực này là việc cho ra mắt “BLUE CORE” – đại diện cho triết lý và định hướng phát triển các mẫu động cơ cho phân khúc xe ga ở thị trường này.

BLUE CORE đóng vai trò là tiêu chuẩn phát triển căn bản cho một thế hệ động cơ hoàn toàn mới, hướng tới mục tiêu tạo nên các tiêu chuẩn vượt trội về tính thân thiện môi trường, cảm giác hứng khởi khi lái xe và hiệu suất tiêu hao nhiên liệu. Triết lý này sẽ là định hướng chạy xuyên suốt trong quá trình phát triển các động cơ cho xe tay ga của Yamaha Motor được giới thiệu trong thời gian tới. Ý tưởng chung của BLUE CORE là tạo ra một động cơ nền tảng hoàn hảo thông qua việc tập trung vào 3 điểm:

+ Tăng hiệu suất đốt cháy nhiên liệu

+ Tăng hiệu quả làm mát

+ Giảm ma sát

1. Tăng hiệu suất đốt cháy nhiên liệu.

Tăng hiệu suất đốt cháy nhiên liệu là một yếu tố quan trọng để nâng cao hiệu suất động cơ. Động cơ Blue CORE sử dụng một số kỹ thuật để để nâng cao hiệu quả đốt cháy nhiên liệu, kỹ thuật quan trọng nhất là nâng cao tỷ số nén của động cơ (11:1)

Ngoài ra còn các kỹ thuật khác: Thiết kế cổ hút, thời điểm đóng mở xupáp và hình dạng buồng đốt tạo ra hiệu ứng xoáy lốc, giúp hỗn hợp xăng và không khí trộn đều hơn.

2. Tăng hiệu quả làm mát động cơ

Hiệu quả làm mát cao rất quan trọng để có thể chọn tỷ số nén cao cho động cơ. Một số kỹ thuật đã được áp dụng trong Blue Core để nâng cao hiệu quả làm mát động cơ:

– Quạt gió nhỏ gọn, hiệu suất cao.

– Cấu trúc ốp quạt mới có tác dụng giảm ma sát của luồng khí chạy qua.

– Xy lanh DiASil, nhẹ, siêu bền và tản nhiệt tốt.

– Các lá tản nhiệt xy lanh siêu mỏng, tăng diện tích tản nhiệt của xy lanh.

– Vòi phun dầu làm mát Piston.

3. Giảm ma sát

– Với xy lanh truyền thống, áp suất trong buồng đốt đẩy piston đi xuống, do góc nghiêng với tay biên nên tạo ra lực đẩy ngang cho piston, tạo ra ma sát lớn với thành xy lanh gây tổn hao công suất. Để giảm góc nghiêng giữa tay biên và piston ở thời điểm lực ép lớn nhất nên giảm được áp lực của piston lên thành xy lanh.

– Cò mổ dạng con lăn: Cò mổ con lăn giảm ma sát giữa trục cam và cò mổ. Đem lại lợi ích: Giảm ma sát và làm cho động cơ hoạt động êm ái hơn; Giảm tải cho động cơ, tăng công suất động cơ

Đặc điểm công nghệ

Xilanh DiASil là một xilanh hoàn toàn bằng hợp kim nhôm được chế tạo bằng bí quyết công nghệ chỉ có ở Yamaha. Nó sử dụng hợp kim nhôm với 20% silicon, tạo cho thành xilanh có độ cứng và độ bền cực cao mà không cần phải có nòng xilanh (semi) bằng thép như các loại xilanh truyền thống. Và bởi vì xilanh hoàn toàn bằng hợp kim nhôm, nên nó có khả năng tản nhiệt tuyệt vời và đồng thời làm giảm khối lượng động cơ. (Khả năng tản nhiệt của nhôm tốt hơn thép gấp 3,1 lần).
Xe Exciter 135 là sản phẩm đầu tiên tại khu vực Asean và là sản phẩm thứ hai của Yamaha ứng dụng công nghệ này, sau chiếc xe “Grand Majesty 250” giới thiệu tại thị trường Nhật Bản.

 Hiệu quả (Lợi ích cho khách hàng)

– Độ bền cao: Bởi có độ cứng tuyệt vời của thành xilanh DiASil, nên sự mài mòn giảm đáng kể so với xilanh có nòng bằng thép. (Theo kết quả do Yamaha thử nghiệm, sự mài mòn giảm từ 2 đến 3 lần). Do vậy độ bền của xilanh rất cao, nên giảm được nhiều chi phí sửa chữa, thay thế so với xilanh truyền thống.

– Giảm sự hao dầu (ăn dầu): Không giống như các xilanh truyền thống với nòng bằng thép, phải tạo các rãnh nhỏ để phụ giúp cho việc bôi trơn tốt hơn, xilanh DiASil có bề mặt được xử lý đặc biệt để giúp duy trì một màng dầu mỏng lý tưởng trên thành xilanh, và do vậy giảm được sự hao dầu nhớt động cơ.

– Tiết kiệm nhiên liệu: Bởi vì xylanh, piston và các chi tiết xung quanh đều được làm từ nhôm, làm mát nhanh và hiệu quả. Kết quả là làm giảm được những tác động xấu do nhiệt gây ra đối với tính năng hoạt động của động cơ, do vậy duy trì và đảm bảo được hiệu xuất cháy nổ tối ưu.

Đặc điểm công nghệ

Piston sử dụng phổ biến trong động cơ các loại xe ô tô và xe gắn máy hiện nay là piston đúc, được chế tạo bằng cách nấu chảy nhôm ở nhiệt độ cao, sau đó đổ và khuôn đúc. Một loại piston khác được chế tạo bằng công nghệ dập, với phương pháp này nhôm được gia nhiệt đến gần nhiệt độ nóng chảy, sau đó được ép vào khuôn dập. Với công nghệ dập, vì nhôm chưa nóng chảy nên nó giữ được cấu trúc mạng tinh thể và thớ kim loại chắc chắn hơn. Vì lý do đó, piston dập có thể chế tạo mỏng hơn và nhẹ hơn.

Mặt khác, vì rất khó khăn trong việc duy trì và kiểm soát nhiệt độ chính xác và các yếu tố khác trong quy trình chế tạo, pistion dập có chi phí sản xuất cao hơn. Vào năm 1997, Yamaha đã thành công trong việc phát triển “Công nghệ dập được kiểm soát” tạo thuận lợi cho việc áp dụng vào sản xuất hoàng loạt piston dập. Những piston này hiện được áp dụng trên dòng xe thể thao lớn Yamaha R. Chiếc xe Exciter 135 trở thành dòng xe đầu tiên cho thi trường Asean được áp dụng piston dập.

Hiệu quả (Lợi ích cho khách hàng)

– Ít rung động – Piston dập nhẹ hơn có nghĩa là khối lượng chuyển động tịnh tiến nhỏ hơn khi piston dịch chuyển, do vậy rung động sinh ra cũng ít hơn.Ít rung động nên người vận hành sẽ cảm thấy thoải mái hơn.

– Độ tin cậy và ổn định cao của piston dập do hợp kim nhôm có độ cứng vững hơn.

 1. ECU – Bộ điều khiển động cơ
2. Cảm biến góc quay trục khuỷu
3. Cảm biến áp suất khí nạp
4. Cảm biến độ mở bướm ga
5. Cảm biến nhiệt độ khí nạp
6. Luồng khí nạp vào động cơ
7. ISC – Điều khiển tốc độ không tải
8. Vòi phun
9. Bu gi
10. Cảm biến nhiệt độ động cơ
11. Cảm biến ô xy
12. Ống xúc tác

 

Chức năng chính của hệ thống cung cấp nhiên liệu là cung cấp cho động cơ hỗn hợp không khí – xăng với tỷ lệ phù hợp với điều kiện hoạt động của động cơ và nhiệt độ môi trường. Với bộ chế hòa khí, hỗn hợp cung cấp cho động cơ được tạo ra bởi lượng không khí đi vào động cơ và xăng được cung cấp bởi Jích lơ xăng trong chế hòa khí.

Mặc dù cùng một khối lượng không khí nạp vào động cơ, nhưng lượng xăng cần thiết lại thay đổi theo điều kiện hoạt động của động cơ như tăng, giảm tốc hoặc tải nặng.

Yêu cầu về khả năng vận hành và khí thải ngày càng cao, đòi hỏi hệ thống cung cấp nhiên liệu có khả năng cung cấp tỷ lệ hòa trộn giữa xăng và không khí chính xác hơn. Để đáp ứng nhu cầu này, hệ thống phun xăng điện tử ra đời và hiện nay đã trở nên rất phổ biến trên các dòng xe máy thông dụng.

Hệ thống phun xăng điện tử cung cấp tỷ lệ hòa trộn tối ưu và chính xác cho động cơ trong các điều kiện vận hành khác nhau nhờ sử dụng bộ vi xử lý điều khiển khối lượng xăng phun vào động cơ phù hợp với điều kiện vận hành của động cơ. Các cảm biến sẽ gửi các tín hiệu về điều kiện vận hành của xe về bộ điều khiển động cơ (ECU).

Hệ thống phun xăng điện tử có thể cung cấp tỷ lệ hòa trộn chính xác  hơn, tăng cường khả năng đáp ứng của động cơ, cải thiện mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm nồng độ khí thải độc hại.